Tư vấn lựa chọn nghề nghiệp

Tư vấn lựa chọn nghề nghiệp
TƯ VẤN LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP
1. Chọn theo học ngành Cơ khí
    Cơ khí là ngành phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của nghề này cũng rất lớn trên cả nước, vì vậy, học ngành Cơ khí sẽ có nhiều cơ hội làm việc. Hiện nay học sinh, sinh viên tốt nghiệp Sơ cấp nghề, Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề đang công tác và làm việc tại huyện Đông Anh chiếm một tỷ lệ rất lớn. Bởi Đông Anh là một huyện ngoại thành tọa lạc về phía Bắc của thủ đô Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều các khu công nghiệp (Bắc Thăng Long, Nội Bài, Nguyên Khê…) và các Nhà máy chuyên sản xuất Cơ khí nổi tiếng đã có từ  lâu (Nhà máy khóa Việt-Tiệp; Công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Xích líp Đông Anh; Nhà máy động cơ điện Việt Nam Hung Ga Ri; Công ty Nồi hơi Việt Nam…)
    Phần nội dung tại đây sẽ cung cấp các thông tin dành cho các bạn muốn theo học ngành Cơ khí. Các thông tin và đơn vị phối hợp, sẽ tham gia các hoạt động hỗ trợ, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho các bạn quan tâm đến ngành Cơ khí của Nhà trường.

2. Hãy đăng ký theo các hướng dẫn bên dưới để được tư vấn hỗ trợ
                          CÁC HƯỚNG HỌC NGÀNH CƠ KHÍ
Tùy theo điều kiện và khả năng của mình, hãy chọn hướng nghề phù hợp
* Hướng SƠ CẤP NGÀNH Cơ khí
     - Không yêu cầu đầu vào (nghỉ học sớm, hoặc đang đi làm, chưa tốt nghiệp THCS đều học được)
     - Được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề
     - Thời gian học từ 3 - 6 tháng.
     - Học xong có thể đi làm ngay mức lương trung bình (3 - 4.5 triệu đồng/tháng) (thường là công nhân đứng máy)
     - Công việc thường gặp: Đứng máy hàn (MIG, MAG, TIG,  PLASMA…), máy phay, máy tiện, máy CNC và các công việc chân tay về Cơ khí khác.
 Phát triển nghề: Phương thức, học nâng bậc nghề
* Hướng TRUNG CẤP Cơ khí
     - Yêu cầu tốt nghiệp lớp 9 (học 2-3 năm) hoặc lớp 12 (học 2 năm)
     - Được cấp bằng Trung cấp
     - Học xong có thể đi làm, hoặc học liên thông lên cấp cao hơn.
     - Mức lương trung bình 4-6.5 triệu đồng/tháng
     - Công việc thường gặp: Đứng máy hàn (MIG, MAG, TIG,  PLASMA…), , máy phay, máy tiện, máy CNC, gia công cơ khí, bảo trì sửa chữa trong nhà máy sản xuất...
*  Hướng CAO ĐẲNG  Cơ khí
     - Yêu cầu tốt nghiệp lớp 12 (học 3 năm)
     - Được cấp bằng Cao đẳng
     - Mức lương trung bình 5-8.5 triệu đồng/tháng. Trên 10 triệu đồng/tháng đối với các công việc hàn bình, bồn bể , đường ống chịu áp lực.
     - Công việc mang tính suy luận cao, chịu trách nhiệm cao với công năng, hiệu quả của sản phẩm cần hoàn thành (khác với trung cấp nghề và sơ cấp nghề phần nhiều chỉ yêu cầu gia công sản phẩm theo các yêu cầu đã được xác định sẵn.)
3. Hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp cho các bạn muốn theo ngành CƠ KHÍ.
    Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm hoặc khoa Cơ khí. Trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc thành phố Hà Nội. Sẽ hướng nghiệp tư vấn cho các bạn hướng chọn nghề phù hợp nhất. Mọi hoạt động tư vấn định hướng, giới thiệu việc làm là miễn phí. Các bạn co nhu cầu xin hãy liên hệ theo địa chỉ sau:
Phòng tuyển sinh & giới thiệu việc làm: 04 3880 0048
Khoa Cơ khí                                         :  0166 553 0638
 
 
 
4. Đặc điểm ngành Cơ khí-Gia công Cơ khí
    Hầu hết sản phẩm cuối tạo ra của ngành Cơ khí là là các sản phẩm hoặc chi tiết bằng vật liệu kim loại:
- Sản phẩm là các vật dụng bằng kim loại: Cổng, cửa sắt, giàn giáo, bàn ghế, khung đỡ, giá đỡ, kết cấu thép, bồn, bể chứa gas, xăng, dầu, nồi hơi, tàu biển, đường ống dẫn dầu, khí….là các sản phẩm của nghề hàn. Thường được đáp ứng cho nhu cầu của các hộ gia đình và công nghiệp.
 
Cửa sắt là sản phẩm cơ khí quen thuộc của hầu hết mọi gia đình
 

- Sản phẩm là các thành phần thiết bị của máy móc sản xuất: Trong sản xuất công nghiệp hiện đại, lượng máy móc là rất lớn, vì vậy nhu cầu gia công sản xuất ra các thiết bị này chiếm phần lớn của ngành Cơ khí. Một số ví dụ về thành phần thiết bị của máy móc sản xuất như: Trục chuyển động, tay quay, con lăn, trục vít, thanh truyền lực...đó là các sản phẩm của nghề Cắt gọt kim loại
 
 
 Chi tiết máy được gia công bằng các thiết bị của nghề Cắt gọt kim loại
       Các sản phẩm này đòi hỏi rất nhiều tiêu chí khắt khe cần đáp ứng để đảm bảo cho các chi tiết và cả bộ máy có thể hoạt động liên tục, ổn định với công suất lớn. Cơ bản nhất là các yêu cầu về độ chính xác và kích thước của sản phẩm. Kích thước này phải nằm trong sai số cho phép, ví dụ một sản phẩm tiện thủ công đòi hỏi độ chính xác kích thước là khoảng 1/100 mm đến 1/800 mm. Và hầu hết các sản phẩm cơ khí cho công nghiệp đòi hỏi mức độ chính xác kích thước còn lớn hơn nhiều, chỉ cho phép khoảng sai số hơn 1/1000 mm.
Các sản phẩm của nghề Cắt gọt kim loại còn đòi hỏi đến độ bền của sản phẩm xét trên vật liệu kim loại, độ bền trong quá trình hoạt động với tốc độ cao...
- Quá trình lao động
    Để gia công được các chi tiết Cơ khí lớn, nguời ta không gia công nguyên dạng một chi tiết quá phức tạp, mà thay vào đó, nguời ta tìm cách phân tách thành các chi tiết có hình thù đơn giản để dễ dàng gia công; Sau đó dùng các phương pháp ghép nối sau khi gia công các chi tiết nhỏ thành chi tiết lớn phức tạp hơn. Để hoàn thiện một sản phẩm, cần phải qua nhiều khâu thực hiện khác nhau.
    Ban đầu, nguời ta sẽ chọn vật liệu và kích thước của vật liệu đem gia công; Thường là một khối kim loại dạng hình trụ tròn, hoặc dạng hình hộp chữ nhật với kích thước gần bằng chi tiết cần tạo ra. Khối kim loại ban đầu đó nguời ta thường gọi là phôi.
- Thực hiện gia công bằng phương pháp Tiện:
    30% - 40% sản phẩm Cơ khí được thực hiện bằng phương pháp tiện (cắt gọt kim loại). Sản phẩm được tạo ra của phương pháp tiện đều có dạng hình trụ (trụ đúng tâm, trụ lệch tâm...), một vài ví dụ như như trục truyền động, bánh răng, trục vít,
    Nguyên lý: Để gia công, nguời ta sẽ đặt phôi kim loại hình trụ này vào máy và cho quay liên trục quanh trục của nó (tâm quay luôn cố định). Tiếp theo, điều khiển dao cắt kim loại tiếp xúc phôi với khoảng cách nhỏ vừa đủ để lần lượt lấy đi từng lớp kim loại mỏng của phôi. Tuỳ theo tính chất sản phẩm, có nhiều phương pháp tiện khác nhau.
 
 
 
 Mô tả nguyên lý phương pháp tiện: Phôi quay liên trục quanh trục của nó (tâm quay luôn cố định) và dao cắt dịch chuyển cắt đi từng lớp kim loại mỏng trên phôi. lặp lại nhiều lần theo nhiều phương pháp để có hình thù mong muốn
 
 Một vài sản phẩm của phương pháp tiện
 
- Thực hiện gia công bằng phương pháp Phay:
    Phay được thực hiện khi yều cầu gia công có dạng hình trụ, hoặc hình dạng gia công không là hình trụ tròn, hoặc gia công bổ sung cho các khối sản phẩm hình trụ đã qua giai đoạn tiện.
   Nguyên lý: Nguời ta sẽ đặt phôi cố định (khác với phương pháp tiện, phôi quay tròn quanh trục). Nguời ta điều khiển một khối kim loại gọi là dao cắt có hình trụ tròn xoay liên tục quanh trục. Trên dao cắt có nhiều luỡi dao nhỏ hơn. Dao này được điều khiển để lần lượt lấy đi từng lớp kim loại mỏng, và quá trình đó lặp đi lặp lại cho đến khi đạt đến hình thù mong muốn.
 
 
  
Ví dụ một số sản phẩm được kết hợp giữa tiện và phay

-Thực hiện gia công bằng phương pháp Hàn:
    Hàn là được thực hiện với yêu cầu ghép nối các chi tiết sản phẩm để trở thành các chi tiết phức tạp hơn. Hàn phổ biến với các sản phẩm phục vụ gia đình và xây dựng, vì vậy, hình ảnh công cụ hàn và phương pháp hàn có lẽ không xa lạ với nhiều nguời.
   Nguyên lý: Ghép nối hai khối kim loại bằng cách đưa nhiệt độ vào bề mặt ghép nối đến nhiệt độ cực cao, khi đó kim loại hàn và hai khối kim loại được gia nhiệt kết dính với nhau. Trong công nghiệp: Nguời ta dùng nhiều phương pháp hàn như Hàn điện, Hàn MIG, Hàn MAG, Hàn bằng khí, Hàn Plasma…
Ngoài ra còn các phương pháp gia công phụ trợ như mài, khoan, cắt ép kim loại...
- Công nghệ gia công hiện đại - gia công Cơ khí tự động:
    Công nghệ gia công cơ khí hiện đại đã đuợc ứng dụng rộng rãi trong các nhà xưởng cơ khí ở Việt Nam, trong đó công nghệ gia công CNC khá phố biển. Các công việc như Tiện, Phay được làm hoàn toàn tự động qua máy CNC. Sản phẩm gia công bằng máy CNC có độ chính xác rất cao, thời gian gia công nhanh.
    Người công nhân Cơ khí đứng máy CNC đóng vai trò là người ra lệnh (lập trình) để máy CNC gia công theo yêu cầu. Tuy nhiên, việc điều lập trình và điều khiển máy CNC đòi hỏi phải học tập và phải tích lũy một lượng kiến thức, kinh nghiệm không nhỏ.
5. Môi trường làm việc
    Đó chính là xưởng Cơ khí với nhiều loại máy khác nhau như máy tiện, máy phay, máy hàn, máy cắt kim loại, máy mài (dao tiện, dao hàn...), các đống kim loại chờ cắt thành phôi, các loại,  rác kim loại trong quá trình gia công, dầu mỡ, tiếng máy, khói hàn, đầu nhớt...Việc gia công đòi hỏi sự tỉ mỉ, đôi khi cần vận dụng lực và sức khoẻ để có thể gia công được sản phẩm.
 
 
 
 6. Theo đuổi nghề Cơ khí
    Để có thể tham gia lao động vào nghề Cơ khí, các doanh nghiệp; Nhà máy, Người sử dụng  lao động luôn đòi hỏi các kiến thức và kỹ năng mà bạn cần phải rèn luyện như sau:
+ Kỹ năng đọc bản vẽ kỹ thuật: Vì hầu hết các chi tiết được đặt hàng đều thông qua bản vẽ kỹ thuật. Bạn sẽ nhận lấy bản vẽ kỹ thuật của chi tiết cơ khí sẽ gia công, vì vậy, nếu không đọc được bản vẽ bạn sẽ không thể làm được bất cứ điều gì.
+ Kỹ năng gia công sản phẩm trên máy tiện (tay nghề tiện)
+ Kỹ năng gia công sản phẩm trên máy phay (tay nghề phay)
+ Kỹ năng hàn (tay nghề hàn): Hàn có nhiều kỹ thuật khác nhau, công nghệ sử dụng cũng nhiều. Để đáp ứng được yêu cầu công việc trong môi trường công nghiệp, bạn phải được rèn luyện phát triển kỹ năng hàn của bản thân.
+ Kỹ năng an toàn lao động và làm việc chuyên nghiệp.
+ Kỹ năng sử dụng một loại máy gia công tự động CNC (máy tiện CNC, phay CNC, máy xung, máy cắt dây, máy cắt chép hình, máy hàn tự động….)
 7. Môi trường làm việc cũng đòi hỏi người theo nghề Cơ khí phải có
  • Sức lực;
  • Yêu nghề, tâm huyết với nghề;
  • Áp lực công việc;
  • Chịu đựng được tiếng ồn, dầu mỡ, và bụi kim loại...;
  • Tập trung, kiên nhẫn…
8. Những thuận lợi và khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp
- Thuận lợi lớn là có thể học nghề nhanh trong vòng 3 tháng  đến 3 năm là đã có thể tham giao lao động nghề nghiệp. Việc học không đòi hỏi tư duy nhiều, mà cần chăm chỉ luyện tập và nhanh nhạy trong các thao tác. Điều này thuận lợi cho rất nhiều thanh niên cần học để có việc ổn định kiếm nguồn thu nhập.
- Thời gian đầu đi làm rất vất vả về công sức lao động và tìm định hướng chuyên môn cao hơn. Quá trình rèn luyện và học nghề vẫn phải tiếp tục sau khi đã có việc làm, nếu chịu khó chăm chỉ phát triển chuyên môn, thì cơ hội sẽ đến rất nhiều.
- Công nhân cơ khí đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trong công việc phải cụ thể, tỉ mỉ, chính xác, có ý thức trách nhiệm với sản phẩm mình làm. Sinh viên mới ra trường thường yếu chuyên môn, ít có tâm huyết để nỗ lực phát triển chuyên môn, vì vậy hơi khó khăn trong giai đoạn đầu.
- Việt Nam đang tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhu cầu của nghề cơ khí trong tương lai còn tăng cao hơn. Thị trường lao động Cơ khí có tay nghề cao đang cạnh tranh rất khốc liệt bởi đơn vị nào cũng cần.
 
 
 
 Thợ Hàn tay nghề cao luôn được chào đón
* CƠ HỘI VIỆC LÀM:
- Cơ khí có độ phủ rộng khắp nước, vì vậy bạn có thể xin được các vị trí như thợ tiện, thợ hàn, thợ Cơ khí... trong các xưởng Cơ khí trên khắp nước. Bạn có thể xin vào làm ngay tại các xưởng Cơ khí ở địa phương.
- Trở thành công nhân Cơ khí trong các nhà máy Cơ khí: Trở thành thợ hàn chuyên nghiệp, thợ tiện chuyên nghiệp... và có thể xuất khẩu lao động với các chuyên môn trên.
- Trở thành công nhân bảo trì tại các nhà máy sản xuất.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Khanh

Nguồn tin: khoa cơ khí