“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Những câu thơ ấy ngợi ca các thầy giáo cô giáo đã góp công vun trồng cho tương lai đất nước nở hoa. Thật là ý nghĩa!

Tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Hà Nội nơi chúng tôi đang công tác, các thầy cô giáo cũng luôn xứng đáng với những vần thơ ngợi ca đó. Nơi đây, mỗi thầy cô giáo là một bông hoa đẹp, là một tấm gương tốt cho đồng nghiệp cũng như các thế hệ học sinh sinh viên của nhà trường noi theo. Đối với tôi, thật vui và hạnh phúc khi được làm đồng nghiệp của các thầy cô. Và trong tâm trí tôi, người thầy đầu tiên nâng đỡ tôi khi bước vào nghề giáo viên, người luôn là tấm gương sáng để tôi học tập, đó là thầy Nguyễn Anh Dũng – công tác tại Khoa điện tử.
Thầy Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1984 tại vùng đất Đông Anh anh hùng của ngoại thành Hà Nội, nơi gắn liền với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa, nơi có những vị anh hùng dân tộc và những doanh nhân thành đạt. Đây cũng là quê hương của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, là niềm tự hào của cả đất nước Việt Nam. Gia đình thầy giàu truyền thống hiếu học. Sau những năm miệt mài đèn sách, thầy tốt nghiệp khoa Điện tử Viễn thông trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2007, một ngôi trường kỹ thuật uy tín lớn trên cả nước và trong khu vực. Sau khi trải qua một số vị trí công tác, với ước mơ cháy bỏng một ngày được đứng trên bục giảng, thầy trở về và là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngôi trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Hà Nội.
Người có ảnh hưởng lớn đến thầy Dũng chính là người cha của thầy. Người cha mẫu mực, nghiêm khắc ấy đã khiến thầy luôn cố gắng học hỏi, đã thắp sáng ước mơ cháy bỏng rằng mai này thầy sẽ được đứng trên bục giảng, dẫn các em học sinh đến với những chân trời tri thức, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho các em, để mai này các em sẽ trở thành những con người có ích, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.
Với lòng yêu nghề sâu sắc, thầy luôn cống hiến cho nhà trường những tiết dạy lí thú, bổ ích. Không chỉ là những tiết thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp Thành phố, cấp Quốc gia mà ngay cả những tiết học hàng ngày, học sinh đều bị lôi cuốn vào những lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, những cách tiếp cận bài giảng một cách đơn giản của thầy.
Tại khoa điện tử, thầy không những phải làm nhiệm vụ dạy dỗ học trò như các giáo viên khác, mà còn phải gánh trên vai bao trách nhiệm nặng nề nữa.
Thầy là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, người giáo viên chủ nhiệm có “tâm” – là chiếc cầu nối giữa nhà trường với học sinh và gia đình học sinh, giữa các giáo viên bộ môn với học sinh…Chính vì vậy, nhiều học sinh sau khi trưởng thành vẫn tìm trở về với thầy, vẫn luôn giãi bày tâm sự sẻ chia, nhất là những cô cậu học sinh sinh viên cá biệt, nhờ sự quan tâm, động viên của thầy giờ đã trở thành những con người có nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng trong xã hội, có một mái ấm gia đình bình yên thì không thể không nhớ tới công ơn của thầy.

Nếu chúng ta không có cái tâm, không có tấm lòng của một người cha, người mẹ lo lắng cho học sinh, có lẽ người giáo viên chủ nhiệm như thầy không thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Bởi có bao nhiêu việc không tên đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải ra tay giải quyết, có biết bao trách nhiệm mà người giáo viên chủ nhiệm phải gánh trên vai. Dẫu chưa có danh hiệu nào dành cho những giáo viên chủ nhiệm tận tụy thì sự trưởng thành của học trò sẽ là phần thưởng quí giá nhất dành cho những giáo viên chủ nhiệm hết lòng với học sinh như thầy Nguyễn Anh Dũng.
Trong công tác quản lý, với vai trò là trưởng khoa điện tử, thầy Dũng luôn luôn quan tâm sát sao đến mọi công việc cũng như đến từng thầy cô giáo trong khoa. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu gặp thầy, khuôn mặt hiền từ, trẻ trung và ấn tượng nhất là nụ cười thật đôn hậu. Sự đôn hậu, quan tâm ấy đã giúp tôi mỗi ngày một tự tin hơn khi bước vào một môi trường công tác hoàn toàn mới.
Với vai trò của người người đứng đầu, khỏi phải nói, chúng tôi cũng biết thầy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết Làm thế nào để thu hút học sinh sinh viên, làm thế nào để tạo dựng được sự tin tưởng để phụ huynh gửi gắm con cái, trong khi xung quanh, có nhiều ngôi trường lâu năm, có tên có tuổi như: Trường trung cấp nghề cơ khí 1, trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ….Thầy luôn luôn là người dẫn đầu trong công tác tuyển sinh của khoa, song song với đó thầy luôn động viên các thầy cô giáo tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đây chính là yếu tố then chốt để thu hút và giữ học sinh sinh viên về với khoa điện tử.
Thầy Dũng cũng dành thời gian tham dự giờ giảng của các giáo viên trong khoa, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho những tiết dạy sau của các thầy cô giáo.
Đối với các công việc chung của khoa và nhà trường, thầy luôn chủ động làm tốt vai trò của mình, đồng thời động viên, đôn đốc các thầy cô giáo trong khoa làm tròn trách nhiệm của mình với khoa và với nhà trường. Thầy luôn dành hết tâm huyết cho nghề nghiệp, được đồng nghiệp mến phục và học sinh tin yêu.

Thầy Dũng còn là một tấm gương về rèn luyện sức khoẻ, tham gia thi đấu các môn thể thao để mang vinh quang về cho nhà trường:


Bên cạnh những điểm mạnh trong công tác quản lý, thầy Dũng còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích của cá nhân:
Năm 2017, thầy đạt giải nhất tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hà Nội:

Năm 2018, thầy đạt giải khuyến khích tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc:

Thật đáng trân trọng!
Giỏi việc ở trường, ở nhà thầy là một người con, người chồng, người cha rất có trách nhiệm, cùng các thành viên trong gia đình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc, là động lực để giúp thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường.
Các thầy cô giáo trong nhà trường đều biết, thầy luôn là người chồng mẫu mực, thuỷ chung, gắn bó với người bạn đời của mình – cô Phượng, một cán bộ của trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội. Tình cảm của thầy cô là luôn tấm gương để bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ và noi theo.
Với một giáo viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm về giảng dạy như tôi, được làm quen và hoà nhập tốt với môi trường giáo dục, không thể không kể đến sự quan tâm, động viên của Ban giám hiệu, của các thầy cô giáo trong nhà trường và đặc biệt là cá nhân thầy Nguyễn Anh Dũng. Mỗi ngày trôi qua, tôi càng thêm gắn bó với công việc và những con người nơi đây. Tôi cảm thấy mình cần phải học hỏi hơn nữa tấm gương sáng của các thầy cô. Các thầy các cô mỗi người một vẻ, là những tấm gương tốt, với những việc làm tốt, để cá nhân tôi học hỏi và hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.
Comments